Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt trong điều tra, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản.
Phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để làm rõ ý nghĩa của việc thực thi Luật cũng như định hướng triển khai trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh thực hiện chính quyền 2 cấp.

Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là việc phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm theo mức độ chiến lược và quy mô khai thác. Ảnh: Mai Đan.
Xin ông cho biết ý nghĩa lớn nhất của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 đối với ngành địa chất và khai khoáng nước ta?
Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 lần đầu tiên đặt công tác địa chất song hành cùng quản lý khoáng sản trong một chỉnh thể thống nhất, thể hiện rõ quan điểm “điều tra trước - khai thác sau”. Đây là bước chuyển quan trọng, giúp thay đổi tư duy từ “cấp phép” sang “quy hoạch - giám sát vòng đời tài nguyên”, hướng đến quản trị tài nguyên khoáng sản hiệu quả, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và mục tiêu tăng trưởng xanh, trung hòa carbon đến năm 2050.
Luật mới có những điểm đổi mới nổi bật nào so với Luật trước đây, thưa ông?
Điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là việc phân nhóm khoáng sản thành 4 nhóm (I, II, III, IV) theo mức độ chiến lược và quy mô khai thác. Nhờ đó, các thủ tục với khoáng sản phổ biến như đất san lấp (nhóm IV) được rút gọn chỉ còn thủ tục “đăng ký khai thác” thay vì cấp phép như trước, trong khi với các khoáng sản kim loại chiến lược (nhóm I) vẫn áp dụng quy trình chặt chẽ. Cách tiếp cận này giúp giảm thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ các loại khoáng sản quan trọng.
Theo ông, Luật Địa chất và Khoáng sản có nội dung gì mới trong việc phân quyền cho địa phương? Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có những bước chuẩn bị gì để hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả, xin ông chia sẻ?
Luật Địa chất và Khoáng sản có nhiều nội dung mới theo hướng tăng cường phân quyền cho địa phương. Cụ thể, Luật đã trao quyền cho UBND cấp tỉnh trong nhiều nội dung, như: cấp phép thăm dò, khai thác nhóm II, III, IV; phê duyệt đề án điều tra cơ bản do địa phương bố trí vốn; thu hồi khu vực dự trữ để triển khai các dự án công.
Để hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt vai trò mới này, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chủ động chuẩn bị trên nhiều mặt.
Về thể chế, Cục đã tham gia soạn thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, kèm theo hệ thống mẫu biểu, quy trình thực hiện bằng phương thức điện tử.
Về hạ tầng số, Cục xây dựng Cổng thông tin địa chất GeoPortal phục vụ khai thác dữ liệu, cấp phép trên nền tảng số.

Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản chính thức có hiệu lực. Ảnh: Lan Chi.
Về nghiệp vụ, Cục đã biên soạn Sổ tay hướng dẫn triển khai Luật và xây dựng bộ chỉ số giám sát thực hiện để địa phương có công cụ theo dõi, đánh giá quá trình thực thi một cách hiệu quả, minh bạch.
Thưa Cục trưởng, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã triển khai những hoạt động gì để đồng hành cùng các địa phương trong việc thực thi Luật?
Để hỗ trợ các địa phương triển khai hiệu quả Luật Địa chất và khoáng sản, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đồng hành từ tuyên truyền, đào tạo đến hỗ trợ kỹ thuật.
Một số hoạt động trọng tâm bao gồm: Tổ chức 18 hội nghị phổ biến pháp luật tại các vùng, đảm bảo truyền tải đầy đủ các nội dung mới của Luật và văn bản hướng dẫn. Các hội nghị này dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/9/2025. Đồng thời, Cục triển khai khóa đào tạo trực tuyến gồm 30 tiết học, dành riêng cho cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương, giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục vận hành tổng đài hỗ trợ, hộp thư điện tử giải đáp vướng mắc 24/7 để tiếp nhận, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật. Ngoài ra, Cục cũng phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương thực hiện 12 chuyên đề truyền thông với chủ đề “Khoáng sản - nguồn lực cho phát triển bền vững”, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa thông điệp về quản lý, khai thác khoáng sản hiệu quả, trách nhiệm.
Thông qua các hoạt động này, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam không chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật mà còn là người bạn đồng hành cùng các địa phương trên hành trình đưa Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống, vì mục tiêu phát triển bền vững ngành tài nguyên.
Bên cạnh việc đồng hành hỗ trợ địa phương thực thi Luật, hiện nay ngành địa chất và khoáng sản đang đối mặt với những khó khăn gì, và Cục sẽ có những giải pháp nào để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển bền vững, thưa ông?
Ngành địa chất và khoáng sản hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và các giải pháp mang tính chiến lược.
Một số khó khăn lớn có thể kể đến như thiếu dữ liệu điều tra ở độ sâu. Trong nhiều năm qua, công tác điều tra địa chất chủ yếu tập trung ở lớp bề mặt, dẫn đến thiếu thông tin về cấu trúc và tài nguyên dưới sâu. Để khắc phục, Cục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ điều tra 3D và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu địa chất chuyên sâu.
Hơn nữa, cơ chế tài chính chưa phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một lần với số tiền lớn ngay từ đầu, gây áp lực tài chính lớn. Luật Địa chất và Khoáng sản đã tháo gỡ điểm nghẽn này khi cho phép nộp tiền hằng năm, căn cứ theo sản lượng khai thác thực tế.
Cùng với đó là tình trạng chồng lấn trong quy hoạch: Một nguyên nhân quan trọng là do quy hoạch chưa tính đến không gian địa chất - khoáng sản trong lòng đất. Cục sẽ kiến nghị tích hợp không gian địa chất vào các quy hoạch cấp quốc gia, giúp tránh xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên.
Thêm vào đó, công nghệ khai thác, chế biến sâu khoáng sản còn lạc hậu: Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng công nghệ cũ, dẫn đến hiệu quả thấp và tỷ lệ chế biến sâu hạn chế.
Để tháo gỡ, Cục sẽ phối hợp xây dựng danh mục công nghệ khai thác - chế biến khoáng sản chiến lược, từ đó có cơ chế ưu tiên hỗ trợ tín dụng, thuế và nghiên cứu chuyển giao công nghệ phù hợp với từng loại hình khoáng sản.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!