Sign In

Hội thảo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản (phần địa chất)

Chọn cỡ chữ A a  

Sáng 22/2 tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản đối với nội dung về địa chất.

Ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Cục Địa chất Việt Nam dự kiến đưa vào Luật các thuật ngữ về tài nguyên địa chất; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; khu vực địa chất đặc thù.

Cục Địa chất Việt Nam cũng xây dựng các nội dung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, trong đó gồm 8 nội dung: điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; lập bản đồ địa chất, khoáng sản; điều tra, lập bản đồ địa hóa đất; điều tra di sản địa chất, công viên địa chất; điều tra tài nguyên vị thế; điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường; điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất đô thị; đánh giá tiềm năng khoáng sản.

Quản lý nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; quy định về quản lý nhà nước tại các khu vực địa chất đặc thù; tài chính về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; các nguồn thu ngân sách từ hoạt động điều tra địa chất, khoáng sản và sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản cũng là những nội dung chính về lĩnh vực địa chất dự kiến đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản được Phó Cục trưởng Trần Mỹ Dũng đưa ra tại Hội thảo.

Qua Hội thảo, Cục Địa chất Việt Nam mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý về những nội dung điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đưa vào luật (các khái niệm đưa vào luật; điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản gồm những nội dung gì) và quản lý nhà nước điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản (quản lý những vấn đề gì, quản lý như thế nào, phân công quản lý ra sao).

Ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

img_8602.jpg

Ông Trần Mỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam đưa ra những nội dung chính về lĩnh vực địa chất dự kiến đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản

TS. Hoàng Văn Khoa - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam) cho rằng Cục Địa chất Việt Nam cần bổ sung các thuật ngữ về bùn khoáng, khu vực địa chất đặc thù và các khái niệm địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D); bổ sung quy định về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản thay cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; làm rõ nội hàm của tên Luật Địa chất; cần đưa dữ liệu, thông tin địa chất là tài nguyên địa chất.

Đối với nội dung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, xem xét bổ sung công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản biển bởi đây là lĩnh vực có đặc thù riêng, không như trên đất liền; bổ sung hoạt động điều tra địa chất không gian ngầm đô thị (địa chất 3D, 4D), đây là lĩnh vực gắn với địa chất đô thị, địa chất công trình, địa chất thủy văn; xem xét về địa chất viễn thám và vũ trụ, bay đo địa vật lý, công tác nghiên cứu địa chất khoáng sản là lĩnh vực của hoạt động điều tra địa chất.

Đối với nội dung quản lý nhà nước về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, cần bổ sung công tác thẩm định; đăng ký, phê duyệt thông tin dữ liệu địa chất khoáng sản, tài nguyên địa chất; di sản, vị thế; công tác xây dựng các quy trình, quy phạm kỹ thuật; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra địa chất; công tác huy động kinh phí tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất, khoáng sản.

img_8586(1).jpg

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Hoàng Văn Khoa cũng đề nghị Cục Địa chất Việt Nam xem xét quy định của Luật Dầu khí về điều tra dầu khí sẽ chuyển về Bộ TN&MT thực hiện (Chương II, Điều 10, Điều 11); điều tra địa nhiệt quy định ở mục nào; phân loại, định nghĩa các nhóm khoáng sản như: vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường; khoáng chất công nghiệp với nguyên liệu sứ gốm; nghiên cứu thêm các luật địa chất, quản lý tài nguyên địa chất ở nước ngoài, các Luật khác có liên quan để xây dựng các điều, khoản quy định chi tiết.

GS. Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng Cục Địa chất Việt Nam nên đưa ra các khái niệm mang tính phổ quát, bao trùm, chú trọng sự thống nhất về định nghĩa, khái niệm và cơ sở khoa học khi xây dựng Luật.

TS. Nguyễn Thành Vạn - Tổng hội Địa chất Việt Nam góp ý, cách tiếp cận xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cần đi từng bước, từ tên Luật đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sau đó xác định các khái niệm, thuật ngữ liên quan; đề xuất các nội dung (điều, khoản) sẽ bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh.

Kết thúc Hội thảo, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ tổng hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý về nội dung liên quan đến lĩnh vực địa chất và nghiên cứu đưa vào Luật Địa chất và Khoáng sản, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận cao nhất trong các cuộc họp tiếp theo.

Văn phòng Cục ./.

 

Ý kiến

Luật Địa chất và Khoáng sản thay đổi tư duy quản trị tài nguyên

Luật Địa chất và Khoáng sản thay đổi tư duy quản trị tài nguyên

Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt trong điều tra, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản.

TÀI NGUYÊN BAUXIT TÂY NGUYÊN –VẤN ĐỀ KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trên địa bàn Tây Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố chi phối sự hình thành vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm, bao gồm loại đá gốc basalt, điều kiện khí hậu, đặc điểm địa hình, địa mạo, mực nước ngầm, lớp phủ thực vật, thời gian phong hoá,... dẫn đến sự thành tạo vỏ phong hóa laterit chứa quặng bauxit. Với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 5,2 tỷ tấn là khối tài nguyên quan trọng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bauxit - nhôm tầm cỡ thế giới. Ở Tây Nguyên hiện có 02 tổ hợp khai thác bauxit và sản xuất alumina tại Tân Rai và Nhân Cơ; có 01 nhà máy điện phân nhôm sắp vận hành. Năm 2013 alumina đã được xuất khẩu, đem lại lợi ích kinh tế, nhưng cũng gây ra tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội của vùng đất Tây Nguyên, nơi biên cương của đất nước và là vùng đất đa sắc tộc. Phương pháp đánh giá rủi ro và phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng là công cụ chủ đạo để đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của 02 tổ hợp này. Kết quả đánh giá cho thấy trong 30 năm hoạt động, tổ hợp Tân Rai không đem lại hiệu quả kinh tế môi trường; tổ hợp Nhân Cơ đem lại hiệu quả; nhà máy điện phân nhôm đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Khi Việt Nam đang còn thiếu điện, nhu cầu nhôm chưa nhiều, chỉ nên phát triển ngành công nghiệp theo chuỗi sản phẩm bauxit - alumina - nhôm ở mức độ vừa với vị trí tại Khu công nghiệp Nhân Cơ tỉnh Đắk Nông.
Đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản mỏ cát thạch anh ở Huế

Đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản mỏ cát thạch anh ở Huế

Công ty TNHH An Viên (Vĩnh Phúc) đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát thạch anh phường Phong Hòa, thị xã Phong Điền, thành phố Huế, với giá 200,7 tỷ đồng.